Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

HÀNH TRANG CHO CON MỚI LỚN

Thật đau lòng khi nghe tiếng nức nở của con bé. Nó gần như đổ sụp vì sự phản bội lạnh lùng của người yêu sau 4 năm gắn bó.
Phải nói thật với các chị, tôi hoàn toàn không biết con gái mình đã yêu sớm như thế. Bản thân cháu rất ngoan ngoãn, học giỏi, chẳng bao giờ đi chơi, chúng tôi chưa bao giờ phải lo lắng bất kỳ điều gì cho cháu, chỉ chăm chỉ làm ăn, kiếm tiền để nuôi và cho cháu đi học thêm đầy đủ.


Nó cũng học một mạch hết THPT, giờ đang học năm thứ hai đại học rồi. Tôi nói như vậy không phải là để bao biện cho việc không gần gũi con gái của một bà mẹ đâu mà tôi chỉ muốn chia sẻ nỗi lo lắng là cha mẹ làm sao để có thể gần gũi, chia sẻ với các con.


Và chúng tôi cần chuẩn bị hành trang vào đời cho các cháu như thế nào ngoài việc giúp các cháu cái “cần câu cơm” và tri thức.
Chưa bao giờ tôi thấy hoang mang như thế này. Tôi không nghĩ mình có thể chia sẻ hết mọi điều với con gái, nhưng tôi thực sự muốn ở bên con những lúc con cần và là chỗ dựa của cháu. Chẳng lẽ điều đó khó khăn đến thế sao?




Một bà mẹ đau khổ
Chúng tôi cũng cảm thấy cay cay nơi sống mũi khi đọc thư của chị. Nỗi lo lắng, sự hoang mang của chị có lẽ cũng là cảm giác chung của nhiều bậc cha mẹ, không chỉ những người có con gái.

Dù con chúng ta là gái hay trai thì đều cần cha mẹ ở bên trong những thời điểm quan trọng của cuộc đời, đều cần tích lũy những hành trang cần thiết để có thể vững vàng bước trên đôi chân của mình, nhất là không làm tổn thương, gây đau khổ cho người khác và cũng tránh bị người khác lợi dụng, sẵn sàng chịu trách nhiệm với mọi việc làm của mình, không bị sốc trước các màu không phải hồng của cuộc sống.



Vai trò của cha mẹ hiện đại
Xã hội phát triển kéo theo rất nhiều thay đổi trong các mối quan hệ gia đình, trong đó hình ảnh cha mẹ quyết định mọi vấn đề liên quan đến con cái đã đến tuổi trưởng thành trở nên vô cùng mờ nhạt.
Sự áp đặt của cha mẹ hay nghe lời cha mẹ một chiều không còn phổ biến nữa. Những bậc cha mẹ có thể gần gũi con cái của mình là những người biết lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ của mình, nhận xét khách quan về mọi chuyện, mọi kế hoạch của con nhưng cho chúng tự quyết định.
Gần như không ngày nào chúng ta được sao nhãng việc quản lý con cái từ chuyện học hành đến giải trí bởi vì bây giờ có quá nhiều thông tin ập đến bủa vây các con hàng ngày, chỉ cần một thời gian ngắn không để mắt đến con, chúng ta đã có thể trở nên quá xa cách.
Điều giúp những đứa trẻ có suy nghĩ chín chắn, đúng đắn là luôn được cha mẹ phân tích tỉ mỉ, chu đáo, kiên nhẫn.


Cập nhật những thông tin cần thiết
Nắm được những thông tin liên quan đến sự trưởng thành của con, tình hình học tập của con, các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, xã hội của con, những sở thích, trò giải trí của con… sẽ giúp cho bố mẹ hiểu con, lý giải được những suy nghĩ, hành động, cử chỉ của con để có thể hỗ trợ kịp thời.

Trao đổi những kiến thức về tình yêu, tình dục, về tình cảm con người, về những cạm bẫy, tệ nạn, về các loại bệnh, về sự phát triển nhân cách… sẽ giúp cho các con không bị động trước cuộc sống, tỉnh táo đón nhận mọi điều xảy đến với mình.
Kể cho con nghe những câu chuyện xúc động về những người tốt, có tấm lòng, có chí phấn đấu, sống nhân hậu, dũng cảm, kiên cường… sẽ bồi đắp tâm hồn, nhân cách, lối sống tốt đẹp cho các con.


Luôn phác họa hình ảnh tương lai
Một cách giúp các con vô hình mà hiệu quả là phác họa tương lai từ chính hiện tại. Với những điều tích cực thì có thể lấy bản thân các con làm nhân vật trung tâm. Còn những điều tiêu cực, có thể dùng câu chuyện của các nhân vật khác để minh họa.
Sự ứng biến uyển chuyển sẽ giúp bố mẹ đưa thông điệp giáo dục đến con một cách nhẹ nhàng, sâu sắc và rất tự nhiên. Bọn trẻ rất thông minh, chúng sẽ biết lựa chọn và có quyết định đúng.


Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Hành trang cho con chuyển cấp



KTĐT - Tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường, tôn trọng nhân cách trẻ, động viên các em trong quá trình học tập... là con đường ngắn nhất để trẻ khắc phục những khó khăn tâm lý ở ngày đầu chuyển cấp.

Tâm thế cho con vào lớp 1

Chuẩn bị cho con vào lớp 1 không có nghĩa là cần phải cho con học trước chương trình, thay vào đó, cần chuẩn bị cho con một số "hành trang" căn bản như khả năng tập trung chú ý, phân biệt được các hiệu lệnh của cô giáo, tính kỷ luật... đó là kinh nghiệm của những người "đi trước".

Một bà mẹ kể, con nhà chị hồi mới đi học vất vả vì rèn rũa tính kỷ luật. Nó cứ nghĩ đơn giản việc lên lớp 1 cũng như ở mẫu giáo, thích đứng lên thì đứng lên, thích chạy sang chỗ bạn là sang. Có hôm tự ý chạy ra ngoài khi cô chưa cho phép, cô giáo phạt, bố mẹ mắng, thế là nó đòi chuyển sang trường cũ học, không đi học lớp 1 nữa. Từ đó, chị mới nghiệm ra một điều là, trước khi cho con đi học, mình cần phải rèn rũa để con hiểu được tính kỷ luật trong lớp, biết ngồi đứng theo hiệu lệnh. Mất cả tháng trời rèn rũa, cháu mới vào nền nếp.

Chị Ngọc chuẩn bị cho con vào trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy tâm sự: Ngay từ bây giờ, mình hướng dẫn cháu tự lên lịch học, tự mặc quần áo, đánh răng,… Hy vọng bé sẽ sẵn sàng hoà nhập vào một môi trường học tập mới.

Có những bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng cho con ăn uống, may sắm áo quần và sách vở là đủ. Trong khi đó, điều trẻ cần là cha mẹ chỉ dẫn các em hiểu rõ nội quy học tập cần phải làm gì? Làm như thế nào? Theo các nhà tâm lý giáo dục, lớp 1 có tác động rất lớn đến việc bé có yêu trường, thích học hay không. Nhiều trẻ đến lớp hăm hở trong những ngày

 đầu và chỉ vài tuần sau đã chán nản. Bởi đang từ cuộc sống khá thoải mái về mặt thời gian cũng như tinh thần ở bậc mầm non, bé phải chuyển qua một môi trường "làm việc" mới với những tiết học dài. Nếu được chuẩn bị, bé sẽ cảm thấy đỡ bị gò ép hơn. Song song cùng việc chuẩn bị về mặt tâm lý, thói quen học tập, tính cẩn thận và ngăn nắp… gia đình cũng rất chú trọng đến việc chuẩn bị cho bé sức khỏe dẻo dai.

Vào lớp 6 vàbước chuyển tâm lý

Nhiều người cho rằng, trẻ từ Tiểu học vào lớp 6 (THCS) không cần thiết phải chuẩn bị gì về tâm thế. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Hải (ĐH Sư phạm Hà Nội), đây lại là lúc trẻ có bước nhảy vọt về thể chất lẫn tinh thần. Các em đang tập khẳng định mình nên không phải lời khuyên, dạy bảo nào của bố mẹ các em cũng muốn nghe. Điều đó đòi hỏi người lớn cần biết cách tôn trọng tính độc lập, cần gương mẫu, khéo léo, tế nhị trong mọi vấn đề. Về vấn đề học tập, cha mẹ cũng cần chuẩn bị cho con tâm thế làm quen với môi trường học tập mới. Tránh tối đa việc mắng khi con không hoàn thành yêu cầu của thầy cô và của bố mẹ.

Hơn thế nữa, cha mẹ, thầy cô cần trang bị cho học sinh THCS những kỹ năng sống cần thiết để phát huy sự tự tin, năng động, sáng tạo với những kỹ năng cần thiết…

 
Để giáo dục cho học sinh rèn luyện và hình thành những kỹ năng sống cần có sự nỗ lực từ nhiều phía: Gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân học sinh.


Theo ktdt




Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Chuẩn bị hành trang cho con trẻ vào đời


Những điều tốt đẹp bạn làm cho con sẽ giúp bé vững bước hơn trên đường đời. Có những việc giản dị nhưng giúp ích rất nhiều cho bé cưng. Để mở mang kiến thức cho bé, bạn không cần tốn nhiều tiền để đứa con đến nơi sang trọng hoặc du lịch...

Bạn hãy:
1. Tặng con một quả địa cầu: Nhiều học sinh đến lớp 10 vẫn không biết Ai Cập nằm ở châu lục nào. Con bạn sẽ chẳng bao giờ rơi vào tình huống ấy nếu bạn tập cho bé yêu địa lý và say mê tìm hiểëu thế giới ngay từ nhỏ. Những kiến thức này giúp trẻ tự tin hơn trong học tập và cuộc sống.
2. Bài học về tiền bạc: Hãy cho con biết giá trị đồng tiền và ý nghĩ của việc tiết kiệm. Ngoài ra, bé cần hiểu rằng, tiền không chỉ dùng để mua đồ mà còn giúp đỡ người khác.
3. "Hãy tự làm, con yêu!”: Đừng bao giờ làm hộ con bài tập về nhà hay bất cứ việc gì trẻ có thể tự thực hiện. Bố mẹ chỉ nên là người hướng dẫn, như thế, trẻ mới rèn luyện được tính tự lập và vượt khó.
4. Tập cho bé làm việc nhà: Nhiều bà mẹ không cho con gái cưng mó tay vào việc bếp núc. Kết quả, khi lớn lên, nàng công chúa chẳng nấu nổi bữa cơm tươm tất. Bé trai cũng cần học cách làm việc nhà để đủ sức trở thành trụ cột sau này.
5. Đọc sách 15 phút mỗi đêm: Sách giúp con mở mang tầm nhìn, nuôi dưỡng tâm hồn. Đây cũng là những phút giây ấm cúng mà bé không bao giờ quên.
6. Cùng chơi đùa với con: Chẳng gì vui hơn được chơi đá bóng với bố hay đùa giỡn trong công viên cùng mẹ. Vận động rất tốt cho sự phát triển của trẻ.
7. Cho con đi ngủ lúc 9 giờ tối: Thói quen ngủ sớm giúp bé luôn khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn.
8. Đạp xe và bơi lội: Bé chỉ cần khoảng một tuần để tập chạy xe đạp và một tháng học bơi. Sau đó, bạn có thể yên tâm rằng con mình đã được trang bị hai kỹ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống.
9. Cười vui khi bé pha trò: Điều ấy khiến trẻ cảm thấy mình được quan tâm và rất quan trọng đối với bố mẹ.
10. Hát cho con nghe: Có thể bạn hát không hay, nhưng những bài hát ngẫu hứng của bố mẹ sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ và giúp con thêm yêu cuộc sống.
Theo TT&GĐ